Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn
1. Tài sản chung của vợ chồng là gì?
Tài sản chung của vợ chồng bao gồm:
- Tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.
- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
- Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
- Khoản tiền thưởng, tiền trúng xổ số, tiền trợ cấp trừ trường hợp qui định tại khoản 3 điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP.
- Tài sản mà vợ chồng có được xác lập quyền sở hữu theo qui định Bộ Luật dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị đắm chìm, bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước.
Lưu ý là trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
2. Phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn như thế nào?
Đối với những tài sản chung, hai vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc quản lý tài sản đó.
Khi ly hôn, tài sản chung của hai vợ chồng được chia theo thỏa thuận (lập biên bản thỏa thuận chia tài sản).
Nếu không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì tài sản chung về nguyên tắc được chia đôi.
Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng đồng thời có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng: bên nào khó khăn hơn thì cần được ưu tiên sao cho có thể đảm bảo cuộc sốn ổn định sau khi ly hôn.
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Cần lưu ý rằng, phần công sức đóng góp này không chỉ dựa vào thu nhập hàng tháng mà lao động của vợ chồng trong gia đình (như: nội trợ, chăm sóc con cái,…) vẫn được coi như lao động có thu nhập.
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập. Ví dụ: trong khối tài sản chung có một cửa hàng mà người vợ đang quản lí và là nguồn thu nhập duy nhất của người vợ thì khi chia tài sản, cần tạo điều kiện giao lại cửa hàng đó cho người vợ tiếp tục quản lí.
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung phải đăng kí sở hữu nhưng giấy chứng nhận chỉ ghi tên một người
Việc tranh chấp khi chia tài sản chung nhưng chỉ đứng tên một người cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Pháp luật quy định "Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ và chồng". Nhưng thông thường, việc thực hiện giao dịch đối với các tài sản chung của vợ chồng như: mua bán nhà, đất, ô tô,… nên chỉ có người đó đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xác định tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng.
Tuy nhiên, việc xác định tài sản có trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng không phải căn cứ người thực hiện giao dịch hay người đứng tên trên các giấy tờ mà phải căn cứ nguồn gốc tạo dựng tài sản đó. Vì vậy, khi chia tài sản trong trường hợp này, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn cần chuẩn bị những chứng cứ chứng minh công sức đóng góp của mình vào khối tài sản đó (ví dụ giấy tờ vay nợ, các hợp đồng cho thuê nhà hoặc hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay của Ngân hàng,… có tên cả hai vợ chồng).
nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. nguyen tac chia tai san cua vo chong khi ly hon, tài sản chung của vợ chồng là gì, tai san chung cua vo chong la gi,