Kinh doanh bảo hiểm
0:00 22-11-2016

Kinh doanh bảo hiểm

I.Căn cứ pháp lý:

- Điều 63 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000.

- Điều 1 Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010.

- Điều 6, 7, 13 Nghị định 45/2007/NĐ-CP.

- Điều 4 Nghị định 46/2007/NĐ-CP.

- ĐIều 4, Điều 9, Điều 39, Điều 40 Nghị định 123/2011/NĐ-CP.

- Điều 4, Điều 5 Thông tư 124/2012/TT-BTC.

- Thông tư 125/2012/TT-BTC.

- Thông tư 194/2014/TT-BTC.

II.Điều kiện kinh doanh bảo hiểm

1. Giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp  bảo hiểm.

1.1. Có số vốn điều lệ đã góp không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ, vốn pháp định là:

1.1.1. Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ: 300 tỷ đồng Việt Nam.

1.1.2. Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ: 600 tỷ đồng Việt Nam.

1.1.3. Doanh nghiệp chỉ kinh doanh bảo hiểm sức khỏe là 300 tỷ đồng Việt Nam.

1.2. Có hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật.

1.3. Có loại hình doanh nghiệp và điều lệ phù hợp với quy định pháp luật.

1.4. Người quản trị, người điều hành dự kiến của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau:

1.4.1. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải là người có trình độ chuyên môn, năng lực quản trị, điều hành doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tổng giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

1.4.2. Việc bổ nhiệm, thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải có sự chấp thuận của Bộ Tài chính.

1.5. Tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải có đủ năng lực tài chính và có bằng chứng để chứng minh nguồn tài chính hợp pháp khi tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm.

1.6. Không thuộc các đối tượng bị cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp.

* Đối với việc thành lập công ty cổ phần bảo hiểm

1.7. Có tối thiểu 02 cổ đông sáng lập là tổ chức.

1.8. Có cơ cấu vốn điều lệ đã góp phù hợp với quy định sau:

1.8.1. Một cổ đông là cá nhân được sở hữu tối đa 10% vốn điều lệ;

1.8.2. Một cổ đông là tổ chức được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ;

1.8.3. Cổ đông và những người có liên quan được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ;

1.8.4. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% số cổ phần phổ thông được quyền chào bán của công ty cổ phần bảo hiểm trong thời hạn tối thiểu 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động.

1.9. Tổ chức góp vốn phải đáp ứng các điều kiện sau:

1.9.1. Phải sử dụng vốn chủ sở hữu và không được sử dụng vốn vay, vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn; có vốn chủ sở hữu trừ đi các khoản đầu tư dài hạn hình thành từ vốn chủ sở hữu phải lớn hơn số vốn dự kiến góp vào doanh nghiệp bảo hiểm vào năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động.

1.9.2. Tổ chức tham gia góp vốn từ 10% vốn điều lệ trở lên phải hoạt động kinh doanh có lãi và không có lỗ lũy kế trong 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động.

1.9.3. Có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 50% vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm; góp vốn với số tiền không quá 25% vốn chủ sở hữu của tổ chức đó.

1.9.4. Trường hợp tổ chức tham gia góp vốn là doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty tài chính thì các tổ chức này phải đảm bảo duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn vốn và các điều kiện tài chính khác theo quy định pháp luật chuyên ngành.

1.10. Cá nhân góp vốn phải đáp ứng các điều kiện sau:

1.10.1. Phải sử dụng vốn của chính mình và không được sử dụng vốn vay, vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn.

1.10.2. Phải chứng minh khả năng góp vốn bằng tiền: xác nhận của ngân hàng về số dư tiền đồng Việt Nam (bao gồm cả tiền gửi tiết kiệm) hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi có trong tài khoản tại ngân hàng (số dư tối thiểu phải bằng số tiền tham gia góp vốn). Thời điểm xác nhận của ngân hàng không quá 30 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm.

* Đối với việc thành lập công ty TNHH bảo hiểm

1.11. Chủ đầu tư tham gia góp vốn phải là tổ chức có tư cách pháp nhân, trong đó:

1.11.1. Tổ chức Việt Nam tham gia góp vốn phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

+ Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 2.000 tỷ đồng Việt Nam trong trường hợp thành lập công ty TNHH một thành viên; có tổng tài sản tối thiểu tương đương 1.500 tỷ đồng Việt Nam trong trường hợp thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Quy định này không áp dụng đối với tổ chức thành lập công ty TNHH môi giới bảo hiểm.

+ Hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liên tục trước năm xin nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép thành lập và hoạt động.

1.11.2. Tổ chức nước ngoài tham gia góp vốn phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam.

+ Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động hợp pháp ít nhất 10 năm theo quy định của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính tính tới thời điểm nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép.

+ Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có tổng tài sản tối thiểu tương đương 2 tỷ đô la Mỹ vào năm trước năm nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép.

+ Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các quy định pháp luật khác của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong vòng 3 năm liền kề năm nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép.

1.12. Tổ chức tham gia góp vốn đáp ứng các điều kiện sau:

1.12.1. Phải sử dụng vốn chủ sở hữu và không được sử dụng vốn vay, vốn uỷ thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn; có vốn chủ sở hữu trừ đi các khoản đầu tư dài hạn hình thành từ vốn chủ sở hữu phải lớn hơn số vốn dự kiến góp vào doanh nghiệp bảo hiểm vào năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động.

1.12.2. Tổ chức tham gia góp vốn từ 10% vốn điều lệ trở lên phải hoạt động kinh doanh có lãi và không có lỗ luỹ kế trong 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động.

1.12.3. Có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 50% vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm; góp vốn với số tiền không quá 25% vốn chủ sở hữu của tổ chức đó.

1.12.4. Trường hợp tổ chức tham gia góp vốn là doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty tài chính thì các tổ chức này phải đảm bảo duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn vốn và các điều kiện tài chính khác theo quy định pháp luật chuyên ngành.

2. Giấy phép thành lập và hoạt động chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài

* Điều kiện đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài:

2.1. Có trụ sở chính tại quốc gia mà Việt Nam và quốc gia đó đã ký kết các điều ước quốc tế về thương mại trong đó có thỏa thuận về thành lập chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam.

2.2. Đang hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ hợp pháp ít nhất 10 năm tại nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính tính tới thời điểm nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép thành lập và hoạt động chi nhánh tại Việt Nam.

2.3. Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 2 tỷ đô la Mỹ vào năm tài chính trước năm nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép thành lập và hoạt động chi nhánh tại Việt Nam.

2.4. Hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liên tục trước năm nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép thành lập và hoạt động chi nhánh tại Việt Nam.

2.5. Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các quy định pháp luật khác của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong vòng 3 năm liền kề năm nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép thành lập và hoạt động chi nhánh tại Việt Nam.

2.6. Được cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính cho phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam để hoạt động trong phạm vi các nghiệp vụ bảo hiểm mà doanh nghiệp được phép kinh doanh; không hạn chế việc doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bổ sung vốn cấp cho chi nhánh tại Việt Nam và bảo đảm giám sát toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp phi nhân thọ nước ngoài.

2.7. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác với Bộ Tài chính Việt Nam về quản lý, giám sát hoạt động của chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam.

2.8. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có văn bản cam kết chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam và có văn bản ủy quyền cho Giám đốc chi nhánh là người chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ các hoạt động của chi nhánh.

2.9. Có hồ sơ xin cấp Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định.

* Điều kiện đối với chi nhánh được thành lập tại Việt Nam:

2.10. Có vốn được cấp không thấp hơn mức vốn pháp định là 200 tỷ đồng.

2.11. Có Quy chế tổ chức và hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật.

2.12. Nguồn vốn thành lập chi nhánh phải là nguồn hợp pháp; không sử dụng tiền vay hoặc ủy thác đầu tư dưới bất kỳ hình thức nào để thành lập chi nhánh.

2.13. Tổ chức hoạt động kinh doanh của chi nhánh phù hợp với quy định.

2.14. Người quản trị, điều hành chi nhánh có trình độ chuyên môn, năng lực quản trị, điều hành đáp ứng điều kiện theo quy định.

2.15. Có cơ sở hạ tầng và hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng điều kiện theo quy định của Bộ Tài chính.

3. Điều kiện năng lực pháp lý, tài chính, xử lý tổn thất của DNBH nước ngoài để cung cấp qua biên giới.

3.1. Có Giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính cho phép thực hiện các nghiệp vụ bảo hiểm dự kiến cung cấp qua biên giới tại Việt Nam và chứng minh doanh nghiệp đang hoạt động hợp pháp ít nhất 10 năm tính tới thời điểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.

3.2. Có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính cho phép cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam và xác nhận không vi phạm các quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, môi giới bảo hiểm và các quy định pháp luật khác của nước ngoài trong vòng 3 năm liên tục trước năm cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.

3.3. Các điều kiện về năng lực tài chính:

3.3.1. Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 2 tỷ đô la Mỹ đối với doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài; tối thiểu tương đương 100 triệu đô la Mỹ đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài vào năm tài chính trước năm cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.

3.3.2. Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được xếp hạng tối thiểu “BBB+” theo Standard & Poor’s hoặc Fitch, “B++” theo A.M.Best, “Baa1” theo Moody’s hoặc các kết quả xếp hạng tương đương của các tổ chức có chức năng, kinh nghiệm xếp hạng khác tại năm tài chính trước năm cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.

3.3.3. Hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liên tục trước năm cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.

3.4. Các điều kiện về khả năng xử lý tổn thất:

3.4.1. Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài phải ký quỹ tối thiểu 100 tỷ đồng Việt Nam tại ngân hàng được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam và có thư bảo lãnh thanh toán của ngân hàng đó cam kết thanh toán trong trường hợp trách nhiệm của các hợp đồng bảo hiểm cung cấp qua biên giới tại Việt Nam vượt quá mức ký quỹ bắt buộc.

Tiền ký quỹ chỉ được sử dụng để đáp ứng các cam kết đối với bên mua bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài mất khả năng thanh toán theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nước ngoài nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Tiền ký quỹ được hưởng lãi theo thỏa thuận với ngân hàng nơi ký quỹ. Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được rút toàn bộ tiền ký quỹ khi chấm dứt trách nhiệm đối với các hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.

3.4.2. Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài phải có quy trình giải quyết bồi thường trong đó nêu rõ thủ tục, trình tự xử lý tổn thất và thời hạn trả tiền bồi thường cho bên mua bảo hiểm tại Việt Nam. Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài hoặc đại diện được ủy quyền phải có mặt tại nơi xảy ra tổn thất trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được thông báo tổn thất. Thời hạn giải quyết bồi thường tối đa theo quy định tại Điều 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

3.4.3. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp môi giới bảo hiểm cho trách nhiệm cung cấp dịch vụ môi giới bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.

3.5.Phương thức thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.

3.5.1. Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài khi cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam phải thực hiện thông qua doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

3.5.2. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam phải môi giới cho doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

II.CƠ QUAN THỰC HIỆN

Bộ tài chính

Xem thêm: Thủ tục thành lập công ty cổ phần;

                   Thủ tục thành lập công ty TNHH một thành viên;

                   Thủ tục thành lập công ty hợp danh;

                   Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân;

                   Thủ tục thành lập hộ kinh doanh;

                   Thủ tục thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện.

 

 

ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thành lập doanh nghiệp, giấy phép ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Kinh doanh bảo hiểm, ,

1 Xin chào, bạn cần hỗ trợ?